Chiến lược ‘sườn gà’ giúp BYD dẫn đầu cuộc đua xe điện

Đây là những thị trường bị các hãng xe lớn khác “ngó lơ” nhưng lại lọt vào tầm ngắm của nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc BYD.

BYD đã công bố doanh thu quý 3/2024 đạt 28,3 tỷ USD, vượt qua con số 25,18 tỷ USD của Tesla trong cùng giai đoạn, theo SCMP.

Đây là lần đầu tiên BYD vượt mặt Tesla về doanh thu quý. Ngoài ra, lợi nhuận ròng của BYD đã tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,63 tỷ USD.

Chỉ trong 3 tháng, BYD đã bán được kỷ lục 1,1 triệu xe nhờ đợt trợ cấp mới của chính phủ Trung Quốc đối với xe điện. Bên cạnh đó, thay vì trực tiếp giảm giá, BYD đã tung ra các mẫu xe có phạm vi hoạt động xa hơn, hiện đại hơn với giá thấp hơn các phiên bản cũ.

Đạt được những thành tích trên là điều không hề đơn giản, BYD đã áp dụng chiến lược kinh doanh ra sao vào sở hữu lợi thế gì so với các đối thủ trong ngành?

Chiến lược chiếm lĩnh “thị trường sườn gà”

Trên thực tế, ngoài các thị trường truyền thống, BYD còn chiếm lĩnh các thị trường nhỏ hơn nhưng nhiều tiềm năng.

Malta, một quốc đảo nhỏ ở Địa Trung Hải là một ví dụ tiêu biểu cho chiến lược này.

Đây là một điểm du lịch nổi tiếng, có dân số chưa tới 564.000 người và chỉ khoảng 7.200 xe đăng ký mới trong năm ngoái (chỉ bằng 1/17 so với lượng xe bán ra trong 1 ngày tại Mỹ), quốc gia này có vẻ không đủ hấp dẫn để các hãng xe lớn chú ý.

Tuy nhiên, đối với gã khổng lồ BYD, thị trường xe hơi tại Malta lại không hề nhỏ bé.

Cuối năm 2023, BYD đã bắt đầu bán Atto 3 với mức giá 28.000 USD, sản phẩm này được coi là không đắt, theo tiêu chuẩn của châu Âu.

Nhưng đâu là lý do thực sự khiến BYD gia nhập một trong những quốc gia nhỏ nhất châu Âu?

Theo Bloomberg, đây là một phần trong chiến lược tổng thể của hãng: tấn công các thị trường mới nổi và không có ngành công nghiệp ô tô nội địa lớn.

Yu Zhang, CEO công ty tư vấn AutoForesight, cho biết: “Về cơ bản, những thị trường này được coi là ‘thị trường sườn gà’ – phần ít béo bở và ít được yêu thích nhưng khi tổng hợp lại có thể đạt tới hơn 10 triệu xe”.

Chỉ trong 3 năm, BYD đang xuất khẩu tới khoảng 95 quốc gia, bao gồm 20 thị trường mới trong năm nay.

Hãng cũng đã công bố kế hoạch xây dựng các nhà máy lắp ráp bên ngoài Trung Quốc, tại 10 quốc gia ở 3 châu lục.

Vươn tầm quốc tế nhờ pin

BYD, viết tắt của “Build Your Dreams”, là đứa con tinh thần của nhà khoa học về pin Wang Chuanfu, người thành lập công ty pin sạc vào những năm 1990 để cạnh tranh với sự thống trị của Nhật Bản.

Công ty bắt đầu bằng cách tập trung vào pin cho điện thoại di động và các công cụ điện.

Đến năm 2003, công ty chuyển hướng sang sản xuất pin cho ô tô.

Những cải tiến về pin và sản xuất của BYD, được hỗ trợ bởi các chính sách với xe điện của chính phủ Trung Quốc và quy mô thị trường ô tô trong nước, đã giúp hãng làm được điều mà Tesla, Ford và phần còn lại của ngành chưa làm được: chế tạo một chiếc ô tô điện giá cả phải chăng và kiếm tiền từ việc đó.

Theo Bloomberg, một trong những yếu tố quan trọng giúp BYD dẫn đầu cuộc đua xe điện toàn cầu là công nghệ pin Blade (hiện được dùng cho tất cả sản phẩm của hãng).

Trong khi các hãng xe khác tập trung phát triển pin dựa trên nickel để cải thiện quãng đường xe chạy, BYD lại chọn pin lithium sắt photphat (LFP) với chi phí thấp hơn và ít nguy cơ cháy nổ hơn.

Bên cạnh đó, thiết kế của pin Blade cũng giúp loại bỏ nhiều thành phần chống cháy cồng kềnh, từ đó giảm trọng lượng và chi phí sản xuất.

Có thể nói, công nghệ này đã giúp BYD cắt giảm chi phí sản xuất và vẫn đảm bảo hiệu suất hoạt động của xe.

Kể từ khi giới thiệu công nghệ pin mới mang tên Blade vào năm 2020, BYD đã trở thành 1 trong 10 nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới.

Hãng đã thay thế vị thế dẫn đầu tại Trung Quốc của Volkswagen AG trong hơn 1 thập kỷ và thậm chí từng có thời điểm vượt qua Tesla để trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới.

Tốc độ và phạm vi mở rộng nhanh chóng của BYD đã khiến ngành công nghiệp ô tô toàn cầu lo ngại, dẫn tới việc Mỹ và EU áp thuế nhập khẩu xe điện từ Trung Quốc để bảo vệ các hãng xe nội địa.

Và giờ đây, giám đốc cấp cao của các hãng xe lớn từ Detroit đến Tokyo sẽ phải đau đầu tìm ra cách hiệu quả để cạnh tranh với BYD bởi họ biết rằng chỉ đánh vào thuế nhập khẩu là không đủ.

Bất chấp những rào cản về thuế nhập khẩu xe điện tại các thị trường khác, với chiến lược kinh doanh phù hợp, BYD vẫn cho thấy năng lực phát triển của mình và ngày càng khẳng định vị thế dẫn đầu trong cuộc đua sản xuất xe điện giá rẻ toàn cầu.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN